Hướng dẫn cách làm bánh thạch rau câu 3d bằng kim tiêm từ A-Z
christianphuong167@gmail.com
CN 21/06/2020
Các bước làm bánh thạch rau câu 3d cơ bản
Mời bạn xem full clip hướng dẫn của cô Ngọc Huệ
( dành cho người chưa từng biết làm)
( dành cho người chưa từng biết làm)
ĐỂ MUA ĐỦ DỤNG CỤ LÀM RAU CÂU 3D, HÃY BẤM VÀO ĐÂY
BÁNH THẠCH 3D TRONG VEO ĐẸP HÚT MẮT
Bánh thạch 3D (Jelly art) không mới trên thế giới nhưng cho đến hai năm gần đây mới tạo thành cơn sốt thật sự ở Việt Nam. Rất nhiều chị em đã học và làm được món này.
Chưa có món ăn nào tạo cảm hứng cho chị em phụ nữ nhiều như món này, bởi trước khi làm ai cũng nghĩ mình không khéo tay, ai cũng nghĩ mình không làm được vì mình không biết vẽ hoặc thẩm mỹ của mình kém. Nhưng may thay, chị em chúng ta lại được hỗ trợ bởi rất nhiều công cụ sẵn có khiến cho việc làm bánh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Cuối cùng khi lấy bánh ra khỏi khuôn, tất thảy chúng ra đều ngỡ ngàng và vui sướng vì quả thực tác phẩm của chúng ta quá đẹp. Khi ấy, chúng ta mới hiểu, hóa ra không phải là đặt bông hoa nhựa hay hoa giả ở bên trong mà là bông hoa do chính tay chúng ta vẽ ra, chính tay chúng ta tô màu cho nó.
Việc làm bánh này thực sự là một cuộc dạo chơi về màu sắc, vì chính chúng ta thoải mái chọn màu, thoải mái vẽ theo trí tưởng tượng của chúng ta. Tôi thích món này vì nó giúp chị em giải tỏa stress rất hữu hiệu, khi làm bánh chúng ta tưởng tượng đang tự vẽ một bức tranh của mình và tập trung vào việc vẽ. Nó giúp chúng ta đánh thức trí tưởng tượng mà từ lâu chúng ta để để nó ngủ quên, giúp chúng ta tăng cường sự tập trung và chăm chú, tăng cường kỹ năng của đôi tay và bán cầu não trái. Một phần quan trọng nữa, giúp chị em chúng tăng thêm tự tin vào bản thân rất nhiều vì hóa ra, chúng ta có thể làm được việc mà mình nghĩ mình không làm được.
Với mỗi tác phẩm ra lò, ngoài việc thỏa mãn niềm vui và trí tưởng tượng của mình, chúng ta còn mang lại niềm vui cho những người xung quanh, cả sự ngưỡng mộ của những chị em khác nữa chứ. Những ai đã từng cầm kim và làm món này chắc sẽ không ngừng đam mê. Vì mỗi tác phẩm là một tác phẩm duy nhất, sẽ không có cái nào giống cái nào, mỗi lần làm là một lần thử nghiệm màu khác nhau và thử nghiệm những nguyên liệu tạo màu khác nhau.
Để làm bánh 3D, bạn cần một số thứ cơ bản như sau:
1. Công cụ (theo thứ tự tầm quan trọng):
- Khuôn làm nền (khuôn nhôm, khuôn đúc, khuôn silicon, khuôn nhựa) các hình tròn, vuông, trái tim, lục giác hay khuôn hoa. Nếu không có khuôn các bạn có thể dùng bất kỳ vật gì đựng được như hộp nhựa, tô, bát, ly... Xem khuôn silicon đổ nền
- Bộ kim tạo hình cánh hoa:
+ Bộ 10 kim cơ bản, bao gồm từ cánh nhỏ đến cánh to và lá -> Xem 29 Bộ 10 kim 3d Ngọc Huệ
+ Bộ 5 kim thiết kế theo từng loại hoa -> Xem 48 Bộ 5 kim 3d Ngọc Huệ
Với những người mới thì bạn có thể bắt đầu với bất kỳ bộ kim nào bạn thích. Vì cách làm như nhau.
- Kim tiêm y tế 18gr để làm nhụy và xilanh 20cc (thường được tặng kèm)
- Rây để lọc thạch lợn cợn
- Dụng cụ tỉa cành (để làm cành, làm bình hoa, giỏ hoa…) -> Xem Bộ tỉa cành nâng cao
- Khuôn chữ silicon (để làm chữ) hoặc thước cắt chữ -> Xem tất cả khuôn chữ
2. Nguyên liệu:
Xếp theo thứ tự ưu tiên về tầm quan trọng nhé:
- Bột rau câu jelly -> Xem Jelly Hoàng Yến 85k/ hộp
- Nước dừa tươi (nên là dừa non nước mới trong). Hoặc dùng nước tinh khiết. Không dùng nước bị nhiễm phèn hoặc nước máy vì sẽ không trong.
- Đường tinh luyện (bán ở các siêu thị)
- Nước cốt dừa (coconut cream nhé, coconut milk thì loãng hơn) hoặc bột cốt dừa
- Bột trà xanh matcha (nên là bột trà xanh Đài Loan cho ra màu đẹp) hoặc lá nếp (để tạo màu xanh)
- Bột socola hoặc cacao (để tạo màu nâu)
- Một số loại hoa quả khác để tạo màu (thanh long đỏ, chanh leo, xoài, khoai lang tím, bí đỏ…) tùy sở thích.
- Ngoài ra, nếu ko có các thực phẩm tự nhiên, các bạn hoàn toàn có thể yên tâm dùng màu thực phẩm của các hãng Wilton hay Americolor, Redman hoặc các hãng có tiếng khác -> Xem màu Wilton
- Siro các loại tùy sở thích (cũng để tạo màu và đổ đế thạch)
3. Cách làm: Gồm 3 bước cơ bản: Nấu base, Bơm hoa, và Đổ đế
CÁCH NẤU JELLY DẺO & ĐỔ NỀN BÁNH RAU CÂU 3D
Nấu base khuôn khoảng 22cm cần :
+ 2 gói rau câu jelly 10gr
+ 2.5 đến 3l nước (đã bao gồm nước dừa tươi). Ví dụ, nếu bạn cho 500ml nước dừa thì bạn cần cho thêm 2l đến 2,5l nước lọc.
+ 400-500gr đường (có thể tăng hoặc giảm tùy khẩu vị)
+ Nước cốt nửa quả chanh hoặc vanila extract (không bắt buộc)
+ Nửa thìa cafe muối tinh
Cách nấu áp dụng cho rau câu jelly dẻo Hoàng Yến:
+ Rắc nhẹ và từ từ gói bột thạch vào nồi nước, vừa rắc vừa khuấy để thạch không bị vón cục.
+ Ngâm 30 phút
+ Bắc nồi lên nấu với lửa to
+ Khi sôi thì mở nắp vung. Đun sôi tiếp trong 15 - 20 phút. Cho đường vào, đường sôi lại là tắt bếp, vớt bọt.
+ Bắc xuống, mở nắp nồi, cho muối tinh, cốt chanh vani vào lúc này.
+ Để nguội 15 phút cho tan bọt và bay hơi
+ Gạt lớp màng sang 1 bên, dùng muôi múc và đổ nhẹ qua rây khít vào khuôn. Lượng thạch cao khoảng 3 đến 4cm. Để tủ lạnh hoăc xả quạt cho thạch nhanh đông. Thạch phải đông lại thành khối chắc chắn thì mình mới bơm hoa được.
- Lưu ý và các vấn đề thường gặp:
1. Khi các bạn nấu 1 nồi cho số lượng nhiều (ví dụ 3 gói thạch trở lên) thì các bạn thỉnh thoảng phải khuấy nồi cho thạch khỏi lắng xuống
2. Ngoài việc cho nước dừa vào base, các bạn có thể dùng 3-5 lá dứa (lá nếp) rửa sạch, bó lại, cho vào nồi base lúc sôi để tạo mùi thơm.
3. Không nên nấu xong 1 cái là đổ ngay vào khuôn vì khuôn nhôm/kim loại tính lạnh, nhiệt độ sôi của rau câu dẻo nguyên chất cao, nếu đổ vào luôn sức căng bề mặt lớn sẽ bị rỗ mặt bánh. Nếu dùng khuôn thủy tinh hoặc nhựa PP thì có thể đổ ngay lúc nóng đc.
Tóm lại, để tránh bị rỗ mặt bánh thì các bạn sau khi tắt bếp nên để rau câu nguội bớt chừng 10 phút để tan hết bọt khí.
4. Liên quan đến nước dừa tươi:
Bánh rau câu có nước dừa sẽ có vị ngon hơn là nấu bằng nước không, chắc chắn là như vậy. Tuy nhiên, chỉ lưu ý là lượng nước dừa nhiều sẽ dễ làm base đục hơn và dễ làm bánh thiu hơn. Đặc biệt là thời tiết nóng như ở Việt Nam thì bánh có nhiều nước dừa sẽ rất mau thiu, do đó cần bảo quản kỹ hơn. Kinh nghiệm riêng của mình thì mình hay làm 1 bánh với 500ml -800ml nước dừa. Các bạn nên mua nước dừa xiêm, hoặc dừa non 1 chút thì nước sẽ trong và thơm, nước dừa già thì hơi chua.
5. Nước cốt chanh tươi, vanila hay muối các bạn nên cho vào sau khi tắt bếp, nếu cho vanila vào khi thạch đang sôi sẽ bị mất mùi.
6. Liên quan đến loại rau câu:
- Trên thị trường có rất nhiều loại rau câu của nhiều thương hiệu khác nhau. Mình không nói loại nào ngon hơn hay tốt hơn loại nào vì nó hoàn toàn là sở thích, khẩu vị và sự tiện lợi khi mua của các bạn. Tuy nhiên, khi làm base cho bánh rau câu, mình chỉ dùng jelly, tức là rau câu dẻo chứ ko dùng agar, tức là rau câu giòn.
Rau câu dẻo thì các bạn có thể lựa chọn rau câu của công ty Hoàng Yến, của công ty Hiệp Long (rau câu con cá dẻo) hay rau câu Việt Xô (mình ko nhớ tên công ty). Rau câu con cá của Thái lan là loại rau câu giòn nhé, không phải rau câu dẻo.
- Rau câu dẻo (jelly) làm cho base mềm dẻo hơn, dễ bơm hoa và trong. Rau câu giòn (agar) thì giòn và cứng hơn, ko trong bằng.
- Đối với riêng bánh 3D, khi đổ lớp đế cuối cùng của bánh, có thể dùng thêm agar để đế được chắc chắn hơn và hạn chế ra nước. Liên quan đến đế bánh, mình sẽ đề cập ở bước 3.
- Rau câu ngậm nước, nó cần nước để nở và tạo đông, cho nên khi nấu base xong, để tủ lạnh rồi lấy ra, base ra nước là chuyện bình thường, không có gì đáng lo lắng nhé các bạn. Lượng nước ra nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào từng loại rau câu. Nhìn chung, khi bạn nấu loãng thì rau câu sẽ ra nhiều nước hơn, nấu đặc hơn 1 chút sẽ hạn chế ra nước. Sẽ khó có công thức chung cho tất cả các loại rau câu. Các bạn dùng loại rau câu nào sẽ để ý và tự điều chỉnh cho phù hợp.
- Rau câu (hay gọi nôm na là thạch) an toàn và có lợi cho sức khỏe vì nó được làm từ rong biển. Nó khác với gelatin (làm từ da, sụn của động vật). Rau câu hay gelatin đều là chất tạo đông trong chế biến thực phẩm. Miễn là các bạn mua rau câu của các công ty uy tín trên thị trường là được.
- Để làm base trong thì các bạn ko nên dùng loại rau câu đã có hương vị pha sẵn (như vị cam, vị xoài…). Phần base của bánh 3D cần trong veo thì bông hoa mới nổi, màu của bánh chủ yếu được tạo ra bởi lớp đế dưới cùng chứ ko phải tạo màu ở base. Rất nhiều bạn cho màu ngay vào base nên bảo sao base không trong. Hy vọng phần này mình giúp được các bạn phần nào giải quyết được vấn đề base chưa trong.
Trong thời gian suy nghĩ hơi gấp, có thể mình viết chưa hết, mình rất mong nhận thêm các ý kiến xây dựng của các bạn. Mình nhắc lại một lần nữa đây là kinh nghiệm của cá nhân mình nhé.
CÁCH PHA THẠCH MÀU ĐỂ BƠM HOA RAU CÂU 3D
- Cách 1: Cho 1 muỗng ăn sữa chua đầy bột rau câu + 250ml sữa tươi (không đường hoặc có đường ) + 50g đường. Ngâm 1 lát cho rau câu nở rồi cho lên bếp nấu, vừa nấu vừa quấy. Khi sôi tắt bếp, chia ra các bát nhỏ để làm màu hoặc giữ nguyên nếu chỉ làm màu trắng.
- Cách 2: Múc 1 lượng nước thạch trong nồi mà mình vừa đun, thêm 1 lượng tương tự sữa tươi và 1 lượng nước cốt dừa rồi đun sôi lên, chia ra các bát nhỏ để làm màu. Có nghĩa là tỷ lệ giữa nước thạch, sữa tươi và cốt dừa là 1:1:1 nhé. Với các bạn mới làm, các bạn có thể cho lượng nước thạch là 1,5, dừa tươi và cốt dừa mỗi loại 1 đơn vị (1,5:1:1) thì sẽ dễ bơm hoa hơn.
- Nguyên tắc 1: trong 1 cái bánh nên làm ko quá 3 màu hoa (vì thêm 1 màu đế nữa là 4 rồi)
- Nguyên tắc 2: Milk để bơm hoa luôn luôn giữ ấm, nếu không nó sẽ đông đặc lại gây tắc kim. Do đó, các bạn có thể để bát/cốc milk vào một nồi nước nóng, hoặc nếu không có thì khi milk đông lại các bạn cho vào lò vi sóng hâm nóng lên, nó sẽ tan ra thì mới bơm tiếp.
- Nguyên tắc 3: luôn luôn pha màu từ màu trắng mà chúng ta vừa đun.
Cách tạo màu từ hoa quả tự nhiên:
+ Màu trắng: giữ nguyên từ hỗn hợp thạch, sữa và cốt dừa;
+ Màu xanh lá: Pha 2 thìa sữa chua bột trà xanh với 1 chút nước sôi nóng để hòa tan bột trà,
+ Màu nâu: pha bột sô cô la với nước nóng cho socola tan ra
+ Màu vàng bí đỏ: 1 miếng bí, thái nhỏ luộc chín, cho vào máy xay sinh tố xay mịn như bột trẻ con
+ Màu vàng hạt dành dành: hạt dành dành rửa sạch, ngâm với nước nóng cho tan màu ra, lấy màu đó pha với hỗn hợp trắng sữa lúc nãy. Lượng nhiều ít sẽ ra màu đậm nhạt khác nhau
+ Màu tím: Từ nước lá cẩm, khoai lang tím tươi (cách làm tương tự như bí ngô) hoặc bột khoai lang tím khô (cách làm như với bột trà xanh). Lá cẩm mua về rửa sạch nấu với sâm sấp nước, đun sôi kỹ 30-45ph được nước lá cẩm cô đặc .Khoai lang tím tươi luộc chín, xay sinh tố mịn như bột trẻ con . Bột khoai lang tím cho thêm chút nước sôi vào hòa tan
+ Màu hồng: Nước thanh long đỏ. Có thể ép lấy nước, xay sinh tố hoặc dằm thanh long rồi lọc qua rây. Tuy nhiên các bạn lưu ý, khi xay sinh tố thanh long thì chỉ xay thật nhanh kẻo làm vỡ hạt thanh long sẽ dễ tắc kim. Cách lấy nước thành long gần đây mình áp dụng: Bỏ vỏ quả thanh long, để nguyên cả quả vào hộp cho vào ngăn đá. Lúc nào dùng lấy hộp thanh long ra để nó rã đông tự nhiên, lấy nước đó dùng. Dùng xong lại bỏ vào ngăn đá lần sau dùng tiếp.
+ Màu đỏ: Từ bột gạo đỏ (tương tự như trà xanh hoặc bột khoai lang tín) hoặc dùng nước của củ dền (củ dền thái nhỏ luộc chín, cho cả nước cả cái vào xay xinh tố, để sinh tố này vào hộp và để ngăn đá, khi nào lấy ra dùng thì rã đông tự nhiên để củ dền tự ra nước. Các bạn có thể thoải mái tạo ra các màu khác nhau theo sở thích.
+ Màu xanh từ hoa đậu biếc khô: Cho hoa đậu biếc khô ngâm với nước nóng để cho hoa phai ra nước
+ Màu cam: Gấc chỉ lấy thịt, ko lấy vỏ lụa, xay sinh tố cho mịn rồi thêm đường đun sôi kỹ (45 phút) được siro gấc sệt sệt
CÁCH BƠM KIM VÀ TẠO HÌNH RAU CÂU 3D
- Hút rau câu màu:
- Bơm nhụy hoa: Luôn lấy 1 điểm là mốc rồi bơm từ đó ra, tạo thành nhụy hình tròn kín
+ Nhụy búp: (Như cái nấm kim châm ý): Dùng kim y tế size 18, lấy màu milk mình thích vào xilanh rồi gắn kim vào, tiêm xuống base, chú ý là khi đâm kim xuống base thì nhấc nhẹ lên để tạo 1 chút khoản không sẽ dễ bơm (vì ko bị nén khí) rồi bơm mạnh xuống, càng mạnh búp càng to.
+ Nhụy thẳng (nhụy sen, hướng dương….) vẫn đâm kim xuống nhưng bơm nhè nhẹ để ko tạo ra cái đầu nấm rồi rút lên đâm xuống tiếp, lặp lại nhiều lần sẽ ra nhụy thẳng
- Bơm cánh hoa:
+ trước khi đâm kim xuống các bạn nên tưởng tượng sẵn bố cục hoa trên bánh, chấm đánh dấu những điểm bạn sẽ làm hoa. Điều này giúp bạn kiểm soát đc hoa ko quá to, phạm vào vùng của hoa khác. Và giúp bánh khi hoàn thành sẽ đẹp và cân đối hơn.
+ các bạn nhìn 1 bông hoa thấy các cánh bắt đầu từ 1 điểm là cuống hoa (đó là điểm bạn đã chấm ở bước 1. Cánh hoa ở trung tâm luôn nhỏ hơn cánh ngoài. Lớp cánh ngoài so le với lớp trong
+ các bạn chú ý trên 1 bánh đừng làm quá nhiều màu sắc,sẽ rất rối và khó chọn màu lớp đáy.
+ Khi bơm milk vào cánh hoa phải dứt khoát để không bị rỗ cánh hoặc màu vào không đều. Nên nhấc kim một chút cho không khí vào thì dung dịch milk mới vào đều và không bị tràn ra ngoài. Nếu cánh bị nhạt màu hoặc rỗ thì bơm thêm lần nữa vào đúng cánh bị nhạt hoặc rỗ
Các vấn đề hay gặp khi bơm hoa:
- Màu bị chảy tràn ra ngoài: là do hỗn hợp milk quá loãng. Bạn có thể chữa bằng cách cho thêm chút nước rau câu hoặc sữa đặc, bột cốt dừa
- Cánh hoa bị rỗ: Do hỗn hợp milk quá nguội khi bơm hoặc bơm không đầy màu vào trong cánh
- Màu bị đùn ra ngoài: Milk quá nguội hoặc quá đặc. Trường hợp milk đặc quá có thể chữa bằng cách cho thêm chút sữa tươi hoặc chút cốt dừa.
- Màu bị lem: Thông thường màu tự nhiên (như củ dền, thanh long hay lá cẩm), sau khi làm xong để đến ngày hôm sau màu có thể loang 1 chút, tuy nhiên, theo cách mình làm thì không đến nỗi loang nhòe cả hoa. Để hạn chế lem màu, bạn nên dùng màu thực phẩm Wilton chuyên dụng để hoa sắc nét và bền màu hơn nhé.
- Khi dùng màu từ rau củ quả thường hay bị biến đổi màu do tác động của nhiệt. Tuy nhiên, màu từ hoa đậu biếc, gấc, bí đỏ hay khoai lang tím gần như ko bị biến đổi do nhiệt. Do đó, với các màu thanh long, củ dền, thì chỉ có cách các bạn bơm hoa nhanh hơn và tránh đun màu quá nóng, quá lâu. Khi màu đã bị nhạt đi, các bạn có thể thêm nc thanh long hoặc nước củ dền cho mầu đậm trở lại.
- Về việc dùng màu thực phẩm, có rất nhiều bạn đã hỏi và cô Thơm cũng đã nhiều lần trả lời các bạn rồi, cụ thể như sau: “Nếu em dùng màu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng thì làm sao độc hại được. Nếu ăn phẩm màu độc hại thì tất cả người dân sống ở các nước tiên tiến họ chết hết rồi à. Ở nước nơi cô sinh sống, tất cả các thực phẩm, nước uống, bánh trái, kem lạnh đều làm bằng màu thực phẩm. Nhưng những loại màu đó đã được các phòng thí nghiệm kiểm tra và đã được cơ quan kiểm tra thực phẩm của thế giới chấp thuận, như vậy có nghĩa là nó an toàn cho con người. Còn những loại màu không có nguồn gốc rõ ràng hay của các nước không có sự kiểm tra gắt gao chặt chẽ về thực phẩm thì không nên dùng. Các bạn sử dụng màu từ thực phẩm tự nhiên, cũng phải cẩn thận. Có những loại rau củ không thích hợp với sữa hay dừa, sẽ bị kết tủa khi ăn vào ruột làm đầy hơi, sình bụng hay khó tiêu. Các bạn có khi nào đã bị ăn miếng bánh vào mà thấy bụng mình nặng nề, khó chịu không. Có phải bánh các bạn làm bằng màu tự nhiên mau thiu không. Các bạn cẩn thận kẻo đưa cả ổ vi trùng vào bánh nhé. Cô không bài trừ màu tự nhiên, nhưng phải có kiến thức về cách sử dụng và bảo quản nó, sao cho an toàn thực phẩm. Mong rằng các bạn sẽ suy nghĩ thêm về màu thực phẩm thay màu tự nhiên nhé”.
- Về vấn đề màu đậm hay màu nhạt: Khi pha màu, dù là màu từ tự nhiên hay màu thực phẩm, các bạn cũng nên pha ít một, vừa pha vừa xem màu đã lên đúng độ mà mình muốn chưa, không nên cho nhiều lượng màu 1 lúc mà khó chữa.
- Đối với màu lá nếp: nếu xay và lọc lấy nước lá nếp để làm hoa thì màu sẽ rất nhạt. Mình hay dùng nước lá nếp để đổ lớp đáy cuối cùng mà thôi
- Đối với màu chanh leo và các hoa quả có tính chua: Vì các loại hoa quả chua sẽ làm rau câu khó đông. Do vậy, khi bạn định đổ lớp đáy bằng chanh leo hoặc các loại siro, nước quả có tính chua thì nên đun 1 nồi rau câu riêng, giảm lượng nước cho 1 gói rau câu để rau câu có thể đông được. Thay vì đun 1 gói rau câu với 1,5 lit nước thì đun với 1l nước thôi.
CÁCH ĐỔ ĐẾ BÁNH RAU CÂU 3D
Lớp đáy giống như một màu nền để làm nổi bật các bông hoa mà mình vừa bơm, do đó, nguyên tắc tương phản về màu sắc là quan trọng nhất. Nếu lớp đáy trùng màu sắc với hoa chủ đạo thì sẽ làm cho bánh của mình không nổi bật, sắc nét. Do đó, các bạn nên nhớ nguyên tắc TƯƠNG PHẢN nhé.
Cách làm:
- Sau khi bơm hoa lá xong, các bạn lau sạch thạch vụn, thấm khô bề mặt bánh, lấy kim nhọn hoặc dĩa khía nhẹ vào bánh để tạo vết xước, khi đổ lớp tiếp theo sẽ kết dính tốt hơn;
- Phần thạch mà ta nấu lúc đầu mới chỉ dùng để đổ base, lấy một phần để làm milk, phần còn lại ta sẽ đun nóng lại để làm đế. Ngoài phần thạch này, chúng ta sẽ thêm các màu khác để làm màu, ví dụ:
+ Hòa bột socola với chút nước nóng cho tan rồi cho vào nồi thạch để làm đế màu nâu,
+ Hòa tan café đen để làm đế màu đen, hoặc café sữa cho ra đế màu nâu;
+ Hòa tan bột trà xanh với chút nước nóng cho tan làm đế màu xanh, nếu các bạn thích vị trà sữa thì thêm chút sữa vào trà xanh sẽ cho ra màu xanh của trà sữa;
+ Ngâm hoa đậu biếc với nước nóng để lấy mà làm đế, sẽ cho ra màu xanh biếc rất đẹp, tùy độ đậm nhạt
+ Có thể dùng các siro hay nước hoa quả có sẵn để làm đế (siro việt quất, siro dâu tây, siro phúc bồn tử, siro Blue Curacao... ) Mình cũng hay dùng các loại siro mình tự ngâm (như siro hoa hibiscus, siro mận, siro dâu tằm). Ngoài ra có thể xay các loại hoa quả như xoài, dứa, dâu tây để làm đế.
+ Nước thanh long đỏ dùng để làm đế cũng vô cùng đẹp. Màu sắc từ hồng tía đế hồng nhạt tùy thuộc lượng nước thanh long bạn cho vào.
+ Với chanh leo: Chanh leo và các loại hoa quả chua sẽ làm cho rau câu khó đông. Do vậy, nếu bạn muốn làm đế chanh leo thì nên đun riêng 1 nồi, với tỷ lệ nước thấp hơn bình thường, ví dụ 1l nước với 1 gói rau câu, nếu đun 1,5l nước thì lớp đế sẽ rất lỏng.
+ Đơn giản nhất thì cứ dùng sữa và cốt dừa làm đế màu trắng đục.
- Khi các bạn đun sôi phần thạch còn lại cùng với siro hoặc nước hoa quả tạo màu thì mới được đổ vào bánh thạch.
Lưu ý đổ tránh những phần nhụy hoa vì chỗ đó mình tiêm chọc nhiều, sẽ dễ bị loang màu. Nên đổ qua rây để lọc bớt phần bọt hoặc thạch lợn cợn. Trước khi đổ đế, các bạn phải dùng giấy hoặc khăn sạch thấm nước trên bề mặt bánh, lau sạch thạch vụn và dùng kim làm xước bề mặt bánh. Khi đổ đế vào các lớp thạch mới bám vào nhau và không bị tách lớp.
- Nguyên tắc cần nhớ: LAU KHÔ BÁNH, CÀO XƯỚC và ĐỔ RAU CÂU NÓNG LÊN ĐỂ TRÁNH TÁCH LỚP nhé. Nhiều người sẽ đổ 2 lớp đế. Lớp thứ nhất là 1 màu nền để nổi hoa, lớp đế thứ 2 gồm cốt dừa và các loại hoa quả tươi hoặc hoa quả xay. Việc này tùy lựa chọn và khẩu vị của các bạn.
Nhìn chung, sau khi đổ lớp đế 1 màu thì bánh thạch nhìn đã đẹp lắm rồi. Khi các lớp đế đông đặc lại, mình mới úp ngược khuôn để lấy bánh thạch ra, bảo quản tủ lạnh ăn sẽ ngon hơn.
- Một số gợi ý khi đổ đế:
+ Hoa màu trắng là chủ đạo thì đổ đế màu gì cũng được miễn ko phải đế trắng
+ Hoa màu vàng là chủ đạo thì đế màu đen, nâu, xanh lá (màu trà xanh), đế màu hồng của nước thanh long, màu đỏ cũng nổi
+ Hoa màu hồng là chủ đạo thì đế màu đen, nâu, đỏ, trắng, vàng, xanh đều đẹp, nếu là hoa màu hồng nhạt thì có thể dùng đế màu thanh long
+ Hoa màu đỏ là chủ đạo thì đế màu đen, trắng, hồng, vàng
+ Hoa màu tím thì đế hồng, trắng, xanh
ĐỂ MUA ĐỦ DỤNG CỤ LÀM RAU CÂU 3D, HÃY BẤM VÀO ĐÂY
Bài viết liên quan:
* Các dụng cụ cơ bản cho người mới đắt đầu. BẤM XEM
* Hướng dẫn làm rau câu 3d cơ bản. BẤM XEM
* Tất cả các bộ 10 kim (làm hoa hỗn hợp). BẤM XEM
* Tất cả các bộ 5 kim (làm hoa chuyên sâu). BẤM XEM
* Bộ dụng cụ tỉa cành cây nâng cao + khoét thú + khoét tranh. BẤM XEM
* Nguyên liệu, khuôn chữ số, màu thực phẩm. BẤM XEM
* Tất cả clip hướng dẫn chi tiết. BẤM XEM
* Sách hướng dẫn (chỉ dành cho kim Ngọc Huệ). BẤM XEM
* Khuôn silicon đổ nền sáng tạo. BẤM XEM
* Tất cả bài viết hay về rau câu 3d. BẤM XEM
(đang cập nhật)
SIEUMUA123.INFO
HÀNG CÓ ĐĂNG TRÊN WEBSITE THÌ CÓ SẴN Ở SHOP
GỌI, SMS, ZALO, VIBER: 0866855848 - 0979241629